Đào tạo Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam

Đội đào tạo

Theo Tổng giám đốc Hiệp hội các hãng Hàng không châu Á Thái Bình Dương, một hiệp hội doanh nghiệp các hãng hàng không châu Á, ngành hàng không Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm trong việc đào tạo phi công và phi hành đoàn. Tuy nhiên, Vietnam Airlines liên tục cải thiện vấn đề này khá hiệu quả. Ngay từ đầu năm 2000, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch đào tạo 400 phi công.

Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, đào tạo tiếp viên, quản lý nguồn lực tiếp viên và đào tạo phi công là những chương trình tăng cường an toàn được dạy cho các nhân viên của hãng. Hầu hết các phi công mới người Việt Nam được phân công làm phụ lái trên những máy bay phương Tây. Họ còn được chính các hãng sản xuất máy bay dạy các bài đầu tiên trên mặt đất và mô phỏng bay, cũng như theo học một năm hai lần ở hãng Ansett tại Úc. Tất cả các phi công người Việt Nam cũng như người nước ngoài đều phải học mô phỏng bay hai lần trong năm và được các phi công phương Tây kiểm tra định kỳ. Ở Hà Nội có một mô hình buồng lái máy bay Airbus được dùng để dạy các bài về khói và sơ tán hành khách.

Hầu hết các cơ trưởng và phụ lái của loại máy bay ATR đều là người Việt Nam. Cơ trưởng của máy bay Airbus xấp xỉ một phần ba là người nước ngoài, hai phần ba mang quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, đến cuối năm 1998, tất cả các cơ trưởng của máy bay Airbus đều là người Việt Nam nhưng những người giảng dạy và các phi công kiểm tra vẫn là người ngoại quốc. Phi hành đoàn của máy bay Fokker đều là người Việt Nam nhưng cũng như Airbus, các người giảng dạy và phi công kiểm tra vẫn là người nước ngoài. Hầu hết các phi công máy bay Boeing đều là người nước ngoài. Tuy vậy, một số phi công Việt Nam đang được đào tạo và phân công phụ lái. Chỉ những phi công phương Tây mới được phép điều khiển các chuyến bay hợp đồng đến các sân bay lạ.

Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam đã ký một hợp đồng với Socfreavia của Pháp thành lập trường đào tạo phi công ở tỉnh Phú Yên vào cuối năm 1998. Chỉ có 40% máy bay Boeing của Vietnam Airlines được điều khiển bởi các phi công Việt Nam trưởng thành từ các chương trình đào tạo ở nước ngoài. Rất nhiều các phi công được đào tạo tại trường Cao đẳng Hàng không Úc của Hawker de Havilland tại Adelaide, Úc.

Bảo trì

Chu kỳ bảo trì máy bay thường được thực hiện khá chặt chẽ theo sự chỉ dẫn của nhà sản xuất. Những bảo dưỡng quan trọng với động cơ và cánh quạt được giao cho các cơ sở bảo dưỡng nước ngoài với đầy đủ các tiêu chuẩn. Tuy vậy, việc bảo dưỡng đang dần được chuyển về trong nước. Chưa có sai sót nghiêm trọng nào xảy ra với việc bảo dưỡng máy bay trong suốt lịch sử của Vietnam Airlines.

Kể từ ngày 1 tháng 7 năm 1998, Vietnam Airlines bắt đầu tự sửa chữa và bảo dưỡng máy bay. Từ đó đến nay, các kỹ thuật viên người Việt Nam đã sửa chữa và bảo dưỡng các loại máy bay như Airbus A320, ATR72, Fokker và họ bắt đầu việc kiểm tra đối với các máy bay Boeing kể từ năm 1999. Việc chuyển giao công nghệ sửa chữa và bảo dưỡng từ Airbus sang Vietnam Airlines đã giúp hãng tiết kiệm được 20 triệu USD mỗi năm. Tháng 8 năm 1998, 15 kỹ thuật viên của hãng đã tham gia khóa học sửa chữa và bảo dưỡng máy bay tại trung tâm của Boeing ở Seattle, Hoa Kỳ. Hãng còn gửi 45 kỹ thuật viên chuyên về máy móc và truyền dẫn vô tuyến đến tham gia khóa học với Boeing, kết thúc vào năm 1999. Các kỹ thuật viên được cấp chứng chỉ công nhận bởi Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam. Thêm vào đó, tháng 6 năm 1998, Boeing ký một biên bản ghi nhớ với Vietnam Airlines rằng, Boeing sẽ chịu toàn bộ chi phí giúp Vietnam Airlines bảo dưỡng và cung cấp các chương trình hỗ trợ kỹ thuật trong việc nâng cấp trung tâm bảo dưỡng máy bay tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để trung tâm này có đủ khả năng bảo dưỡng máy bay Boeing 767.

Tháng 4 năm 1998, cùng với các nhà đầu tư khác, Vietnam Airlines chi 1 triệu USD thành lập một xưởng bảo trì lốp và thắng máy bay tại Aircraft Enterprise A75 ở Thành phố Hồ Chí Minh, với sự trợ giúp của Japan Airlines. Sau khi hoàn thành, nhà xưởng này có một cơ sở đại tu lốp, bánh, thắng máy bay trị giá 16 triệu USD cùng với một cơ sở thử nghiệm và sửa chữa các trang thiết bị điện tử hàng không trị giá 12 triệu USD.

Region Air của Singapore và Park Aviation của Ireland cũng hỗ trợ kỹ thuật và bảo dưỡng cho Vietnam Airlines.

Hiện nay việc bảo trì của VietNam Airlines do công ty kỹ thuật máy bay Vaeco đảm nhận, Vaeco ra đời năm 2009 trên cơ sở hợp nhất các tổ chức bảo dưỡng của Vietnam Airlines trên toàn quốc. Năm 2010, Vaeco đã được Cục Hàng không Hoa Kỳ FAA phê chuẩn chứng chỉ bảo dưỡng FAR-145, là đơn vị đầu tiên trong ngành hàng không Việt Nam được Cục Hàng không Hoa kỳ phê chuẩn.

Ngoài việc thực hiện bảo trì máy bay cho Vietnam Airlines, Vaeco đang thực hiện bảo dưỡng theo hợp đồng cho hơn 20 hãng hàng không khác, chủ yếu là bảo dưỡng Ngoại trường. Công ty đã bắt đầu có thực hiện bảo dưỡng Hangar Check cho Lao Airlines, Cambodia Angkor Air, Cebu Pacific...

Việt Nam không có cơ sở nào sản xuất máy bay và các bộ phận máy bay. Boeing chiếm 35% thị trường phân phối ở Việt Nam, và General Electric cung cấp động cơ cho các máy bay của Boeing.

Bên cạnh những cơ sơ tự bảo dưỡng của mình, Vietnam Airlines còn có những hợp đồng bảo dưỡng máy bay với Air France, AMECO của Trung Quốc, China Airlines, Evergreen Aviation Technologies, GAMECO, Hong Kong Aircraft Engineering Co, Lufthansa AERO, MTU Maintenance Hanover, Royal Brunei Airlines, Safe Air của New Zealand, và TAT Industries của Pháp.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam http://www.airlinequality.com/Airlines/VN.htm http://www.boeing.com/commercial/customers/vietnam... http://www.cargonewsasia.com/secured/article.aspx?... http://www.flightglobal.com/news/articles/two-new-... http://www.flightglobal.com/news/articles/vietnam-... http://www.flightglobal.com/news/articles/vietnam-... http://www.flightglobal.com/news/articles/vietnam-... http://www.flightglobal.com/pdfarchive/view/1990/1... http://www.flightglobal.com/pdfarchive/view/1991/1... http://www.flightglobal.com/pdfarchive/view/1994/1...